Làm thêm là một phần để trải nghiệm cuộc sống trong quãng đời sinh viên, dù là học tại Việt Nam hay ở nước ngoài, nhu cầu làm thêm vẫn rất phổ biến. Đây là một cách để giúp các bạn tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi nhiều điều mới mẻ, có tiền để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần phải đánh đổi thời gian của mình để làm việc. Vì thế, trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ phân tích rõ về ưu và nhược điểm của sinh viên về vấn đề làm thêm khi đi du học.
Ưu điểm
- Ưu điểm đầu tiên của việc làm thêm chính là bạn được trải nghiệm môi trường thực tế, tích lũy cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết mà không thể học được trên trường. Nếu bạn tìm được một công việc đúng với ngành học của mình, đây chính là khởi đầu thuận lợi cho sự nghiệp tương lai của bạn và bạn có thể tiếp tục công việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nếu bạn không tìm được công việc phù hợp với ngành học thì cũng không sao, bạn có thể học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới, là hành trang cho con đường sau này của bạn.
- Rất nhiều sinh viên khi đi du học mong muốn được làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống vì chi phí ăn ở, đi lại, học tập ở nước ngoài sẽ khá cao. Nếu bạn không có tiền thì sẽ không thể nào trụ lại trên một đất nước xa xôi. Với những bạn có điều kiện tốt thì việc làm thêm là để trải nghiệm, nhưng với những bạn có điều kiện không mấy khá giả thì việc làm thêm chính là một cách để nuôi sống bạn.
- Khi đi làm thêm, ngoài kiếm được tiền, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực, ngành nghề và con người khác nhau, đây chính là một cách để rèn luyện bản thân trở nên mạnh mẽ, độc lập hơn từng ngày.
- Khi được làm việc tại môi trường nước ngoài, các bạn sẽ được học thêm ngôn ngữ địa phương, trải nghiệm nền văn hóa và lối sống của người bản xứ, đây sẽ là những trải nghiệm vô cùng quý báu.
Nhược điểm
- Thời gian và sức khỏe là 2 thứ mà bạn phải đánh đổi nếu muốn làm thêm khi đi du học. Bạn sẽ không có đủ thời gian cũng như sức khỏe để học tập, nghiên cứu, dẫn tới trễ hạn nộp bài và tạo ấn tượng xấu cho giáo viên.
- Hầu hết những công việc part-time đều là phục vụ, chạy bàn, pha chế, phát báo,…đòi hỏi khá nhiều sức khỏe và thời gian. Chỉ một số ít sinh viên kiếm được công việc phù hợp với chuyên môn vì những vị trí này thường đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.
Cách giúp bạn cân bằng giữa việc học và đi làm thêm
Lập kế hoạch về thời gian một cách khôn ngoan. Hãy đăng ký lịch làm xen kẽ giờ học để giúp bản thân đỡ mệt mỏi khi phải làm việc liên tục. Tránh đăng ký làm vào những kỳ kiểm tra quan trọng. Bạn cũng có thể chọn làm vào thời gian đầu của kỳ học bởi lúc này việc học sẽ ít hơn, nên tập trung học vào thời gian cuối để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Lập kế hoạch tài chính cho bản thân. Việc sử dụng tiền một cách khôn ngoan sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực về tài chính. Tuy nhiên, đây không phải là dòng tiền chính trong quá trình đi du học của bạn mà chỉ là dòng tiền bổ trợ thêm. Hãy tính toán kỹ những chi phí cho cuộc sống hằng ngày, tiền đi lại, tiền ăn ở, tiền mua sách vở, tiền học phí,…sau đó trừ đi các khoản hỗ trợ từ gia đình và học bổng, bạn sẽ còn thiếu bao nhiêu để có được cuộc sống ổn định nơi xứ người. Từ đó sẽ giúp bạn cân nhắc lựa chọn những công việc part-time với mức lương và thời gian phù hợp nhất.
Xin học bổng là một phần không thể thiếu đối với du học sinh. Hầu hết các trường đại học ở nước ngoài sẽ hỗ trợ những du học sinh có kết quả học lực tốt bằng những suất học bổng có giá trị. Hãy cố gắng kiếm học bổng để giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian du học cũng như chứng minh được năng lực của bản thân nhé.
Trên đây là những ưu nhược điểm của việc làm thêm khi đi du học. Việc nào cũng sẽ có mặt lợi và hại, hãy biết cân bằng cả hai để giúp cho cuộc sống của bạn tốt hơn nơi xứ người nhé.