Sách “Một đời như kẻ tìm đường” nằm trong chuỗi 3 cuốn sách “một đời” của bác Phan Văn Trường. Có lẽ bạn đọc chưa từng nghe đến tên bác nhưng bác là một trong số ít những người Việt làm cố vấn cho chính phủ Pháp. Vì đã từng giữ nhiều vị trí nòng cốt quan trọng trong chính phủ và tập đoàn nổi cộm nên bác có rất nhiều kinh nghiệm sống. Trong cuốn sách này, bạn sẽ được nghe những thăng trầm của một đời người đã bôn ba ở nước ngoài nhiều năm, để giờ khi về già thì có dịp nhìn lại và ngẫm lại về cuộc sống.
Được “gặp gỡ” những nhân vật huyền thoại và lắng nghe câu chuyện của họ
Nào giờ bạn chỉ biết Warren Buffett, Elon Musk, Mark Zuckerberg, … đúng không? Trong sách này bạn sẽ không đọc lại những câu chuyện huyền thoại của họ nữa đâu, mà bạn sẽ tiếp xúc với những nhân vật khác, tuy tên tuổi không nổi tiếng bằng những vị kia nhưng họ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước họ.
Những nhân vật này được bác Phan dành hẳn một chương để kể, đó là chương 7 – Những cuộc gặp gỡ đầy lý thú.
Chắc hẳn bạn chưa từng nghe đến ông Cho Choong Hoon – chủ sở hữu của cả hãng hàng không Korean Airlines đâu nhỉ? Bạn cũng không biết danh tiếng ông Jeffrey Koo – người sở hữu ngân hàng lớn nhất Đài Loan là Chinatrust Commercial Bank, cũng là cố vấn đặc cách của Tổng thống Đài Loan. Rồi còn ông Cheah Theam Swee – Bộ trưởng trẻ nhất Mã Lai và Thủ tướng đầu tiên của Mã Lai.
Ở Việt Nam cũng có những người từ tay trắng khởi nghiệp thành công, trong quá trình đó họ đã đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt.
Bác Phan đã gặp hết những nhân vật kiệt xuất này và có cơ hội nghe kể về cuộc đời của họ, thông qua đó mình đã học được rất nhiều bài học về cách sống và cách tư duy.
Biết được thứ tự các ưu tiên trong cuộc sống
Nhiều người sẽ đặt sự nghiệp lên hàng đầu, vì họ quan niệm là có sự nghiệp thì mới có thể lo được những thứ khác. Cũng có người đặt sức khỏe lên hàng đầu, vì không có sức khỏe thì tiền nhiều đến đâu cũng vô dụng.
Cách nghĩ của mọi người là không sai, nhưng trong cuốn sách này, bác đều không đặt cả hai điều trên ở hàng đầu, mà đặt việc chọn người bạn đời và sinh con là hai điều quan trọng đầu tiên. Còn lý do? Đọc sách để biết nhé.
May mắn đóng góp thế nào vào cuộc đời?
Nhiều người nghĩ số phận do trời định, cũng có người lại nghĩ bản thân mình tự làm chủ số phận. Vậy bác Phan Văn Trường nghĩ gì?
Đối với bác, cuộc đời bác là một chuỗi những vận may khác nhau. Tuy là bác có quãng thời gian khó khăn nhưng trong sự khó khăn đó bác vẫn được sự trợ giúp từ những người khác.
Công việc của bác cũng vậy. Những bước tiến nhảy vọt của bác đều đến từ may mắn. Những may mắn đó đến ngay tại lúc bác không ngờ nhất và bác biết nắm bắt lấy nó, để rồi sau đó bác đổi đời, lên được nhiều vị trí khác nhau, được gặp gỡ nhiều tai to mặt lớn mà một người Việt ở xứ người như bác không dám mơ bản thân sẽ có cơ hội đó.
Vì thế, đối với bác, may mắn đóng vai trò rất quan trọng, mà dân gian gọi là thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Khi đọc những dòng tâm sự của bác, bạn hãy xem cuộc đời mình có những may mắn nào tương tự như vậy không nhé, và nhớ lại xem lúc đó bạn có nắm bắt lấy nó hay không.
Học cách làm cha mẹ
Bác có một chương riêng dành tặng cho các bậc phụ huynh thương con vô bờ bến. Nếu bạn đang làm cha mẹ hoặc chưa làm cha mẹ thì cũng nên đọc để hiểu và áp dụng theo. Con bạn sẽ rất biết ơn bạn vì điều đó.
Đành rằng mỗi bậc cha mẹ có cách nuôi dạy con cái khác nhau, nhưng đôi lúc cách dạy con của bản thân không đúng lắm và nó có thể làm cản trở sự phát triển và trưởng thành của con cái nhưng bạn không hề nhận ra. Vì thế, qua sách này, bạn sẽ có phương pháp nuôi dạy con đúng cách từ người đã có kinh nghiệm nuôi dạy con thành công và hiện tại còn đang có cháu nữa.
Tuổi già khi nhìn lại tuổi trẻ sẽ cảm thấy như thế nào?
Có lẽ các bạn chưa nghĩ đến điều này, vì hầu hết các bạn đọc chưa ai bước qua tuổi 60 để có thời gian nhìn lại cuộc đời. Vậy thì hãy xem tác giả đã cảm thấy thế nào về những năm tháng tuổi trẻ của mình, qua đó bạn sẽ học được những bài học cần thiết khi còn trẻ, để về già không phải ngẫm lại và hối hận như bác.